1. Tổng quan
  2. »
  3. Tư vấn
  4. »
  5. Thực trạng công tác cấp nước PCCC, hạn chế và giải pháp khắc phục

Thực trạng công tác cấp nước PCCC, hạn chế và giải pháp khắc phục

Hệ thống cấp nước phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là yếu tố có vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng như của lực lượng PCCC cơ sở. 

Thời gian qua, tình hình cháy trên cả nước có những diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy lớn là do thiếu nước chữa cháy. Qua thống kê, ở nước ta 95% số vụ cháy phải dùng nước để chữa cháy, tuy nhiên, ở nhiều khu vực hầu như không có nước để chữa cháy.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công an đã rất quan tâm đến công tác giải quyết cấp nước PCCC. Năm 2009, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Thông tư liên tịch số 04/TTLT/BXD-BCA ngày 10/4/2009 hướng dẫn thực hiện việc cấp nước PCCC tại đô thị và khu công nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư 04). Tiếp sau đó, lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn Công an các địa phương về công tác giải quyết cấp nước PCCC; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề về đấu tranh ngăn chặn cháy lớn trong đó có nội dung về giải quyết cấp nước PCCC.

Cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra trụ nước chữa cháy
Cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra trụ nước chữa cháy

Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an và Cục Cảnh sát PCCC, Công an các địa phương đã tranh thủ được sự chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết cấp nước PCCC, từ đó nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trong 11 năm qua (từ 2009 – 2020), công tác cấp nước PCCC đã đạt được những kết quả đáng khích lệ sau:

– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành 19 Nghị quyết, 91 Chỉ thị, 275 kế hoạch và trên 1.000 công văn chỉ đạo các cấp, sở ban ngành tăng cường tổ chức thực hiện công tác PCCC và giải quyết cấp nước PCCC.

– Đến nay đã có 591/833 đô thị (chiếm 71%), 342/420 khu công nghiệp (chiếm 81%) đã được lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy với tổng số 47.149 trụ. Trong đó khu đô thị có 36.543 trụ (chiếm 77,5%), khu công nghiệp có 10.606 trụ (chiếm 22,5%). So với năm 2009, tổng số trụ nước tăng 264%. Tuy nhiên, số trụ nước bị hư hỏng, chưa được khắc phục là 3.962 trụ, chiếm 8%; số trụ nước xe chữa cháy không thể lấy nước được (do cuối nguồn, áp lực, lưu lượng yếu…) là 4.047 trụ, chiếm 8,6%.

– Đã xây được 16.356 bể nước chữa cháy, trong đó khu đô thị có 8.720 bể, (chiếm 53%), khu công nghiệp 7.636 bể (chiếm 47%). So với năm 2009, tổng số bể nước chữa cháy tăng 173%. Tuy nhiên số bể xe chữa cháy không lấy nước được là 2.929 bể, chiếm 18%.

– Cả nước có 7.550 ao, hồ, kênh, mương, trong đó có 2.542 ao hồ, kênh, mương (chiếm 34%) xe chữa cháy không tiếp cận được, cần phải xây dựng bến lấy nước, hố thu nước. So với năm 2009, số ao, hồ, kênh mương giảm 19% (do bị san lấp, cạn kiệt nguồn nước…).

– Đã xây dựng được 738 bến lấy nước, trong đó xe chữa cháy không lấy nước được là 206 bến (chiếm 28%). So với năm 2009, số bến lấy nước tăng 413%.

Nhìn chung, UBND các địa phương, chủ đầu tư công trình đã quan tâm bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư cho cấp nước PCCC. Chính quyền địa phương các cấp, Sở Xây dựng, đơn vị cấp, thoát nước, đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng đã có trách nhiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống cấp nước PCCC theo dự án và kinh phí đã duyệt, đồng thời đã tổ chức thực hiện việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC theo quy định. Tình trạng thiếu nước chữa cháy đã từng bước được khắc phục. Theo báo cáo thống kê của các địa phương, trước năm 2009 có tới 50% đô thị, khu công nghiệp không có hệ thống cấp nước PCCC, nhưng đến năm 2020 giảm xuống chỉ còn 26%. Số vụ chữa cháy bị thiếu nước, không có nguồn nước chữa cháy tại chỗ, xe chữa cháy phải tiến hành truyền tiếp nước cũng đã giảm đáng kể, từ 87% năm 2009, đến năm 2020 giảm xuống còn 58%, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, công tác cấp nước PCCC còn một số hạn chế sau:

– Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước PCCC ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Theo quy định, cứ 150m đường giao thông đô thị phải lắp đặt 01 trụ thì cả nước cần khoảng 160.000 trụ (24.000 km đường giao thông đô thị/150 m) nhưng hiện tại mới có 47.149 trụ, đạt 30%, còn thiếu 112.800 trụ (thiếu 70%). Chưa phát triển được hệ thống trụ nước, bến bãi lấy nước tại các khu vực nông thôn, khu rừng có giá trị kinh tế cao…

– Công tác thiết kế, thi công, thẩm duyệt, nghiệm thu đối với hệ thống cấp nước PCCC gặp một số vướng mắc như:

+ Việc thiết kế, thi công trụ nước chữa cháy chưa đảm bảo số lượng và khoảng cách giữa các trụ (150m/trụ) do khoảng cách giữa các cụm dân cư trong một khu quá xa nhau, cần nguồn kinh phí lớn mới lắp đủ số trụ.

+ Việc thi công lắp đặt trụ nước chữa cháy đô thị ở nhiều vị trí rất khó khăn về mặt bằng thi công (không có vỉa hè, vỉa hè hẹp, vướng các công trình hạ tầng cây xanh, cột điện, thông tin, viễn thông, thoát nước, trạm biến áp,…).

– Công tác quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống cấp nước PCCC ở một số địa phương còn nhiều hạn chế.

– Tình trạng hệ thống cấp nước PCCC xuống cấp kéo dài, nhiều trụ không có nước hoặc có nhưng áp lực, lưu lượng nước không đảm bảo, nhiều trụ bị hư hỏng (mất nắp, hỏng van khóa, đầu nối…) nhưng chậm được khắc phục do thiếu kinh phí, thiếu cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng hệ thống cấp nước PCCC (Cảnh sát PCCC&CNCH) với đơn vị quản lý, bảo trì, duy tu (đơn vị cấp nước). Khi hệ thống cấp nước PCCC cần sửa chữa, khắc phục thì phải qua nhiều cấp, ban, ngành phê duyệt. Việc phân công trách nhiệm giữa các cấp, các cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý hệ thống cấp nước chữa cháy công cộng chưa rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo nên hệ thống cấp nước công cộng nhiều nơi bị xuống cấp và không được sữa chữa, khắc phục kịp thời.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp cấp nước dẫn tới không tập trung được nguồn lực để đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước. Việc thanh toán tiền nước chữa cháy gặp nhiều lúng túng nhất là đối với trường hợp lấy nước chữa cháy từ hệ thống cấp nước do các công ty tư nhân quản lý.

Tình trạng người dân họp chợ, bày bán hàng hóa, để vật liệu, trông giữ xe lấn chiếm khu vực trụ nước, bến, bãi lấy nước… làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn nước khi có cháy xảy ra.

Việc quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước tự nhiên chưa được quan tâm thực hiện tốt. Các ao, hồ, sông, ngòi, kênh, rạch… ngày càng bị thu hẹp do việc xây dựng, phát triển, mở rộng không ngừng các đô thị, khu dân cư. Trong khi đó, việc xây dựng các bể dự trữ nước chữa cháy, các bến lấy nước, hố ga lấy nước hầu như không thực hiện được do thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí… đặc biệt là ở các đô thị, khu dân cư tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Những tồn tại, hạn chế của công tác giải quyết cấp nước PCCC có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, song tập trung ở các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Thông tư 04 là một trong những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng điều chỉnh vấn đề cấp nước PCCC nhưng đến nay nhiều nội dung của Thông tư 04 không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, việc phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng, bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC còn chồng chéo; chưa có quy định về việc cấp nước PCCC đối với khu dân cư ngoài đô thị, khu rừng có giá trị về kinh tế xã hội và môi trường; chưa quy định việc lắp trụ nước đối với hầm đường bộ; những đường phố có dải phân cách cứng, nhiều làn đường, đường rộng có mật độ người và phương tiện giao thông tham gia lớn… làm hạn chế hiệu quả của công tác giải quyết cấp nước PCCC.

Thứ hai, các cấp chính quyền, lãnh đạo các sở, ban ngành ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế phối hợp trong công tác giải quyết cấp nước PCCC. Công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để tồn tại” đối với các hành vi lấn chiếm nguồn nước còn phổ biến.

Thứ ba, nguồn kinh phí và những điều kiện bảo đảm cho công tác giải quyết cấp nước PCCC còn thiếu. Vốn ngân sách nhà nước đầu tư còn thấp so với nhu cầu; vốn xã hội hoá, vốn ODA còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nhiều đô thị, khu dân cư đã cũ, dân số cơ học tăng nhanh tạo áp lực lớn đối với việc xây dựng, cải tạo, phát triển hệ thống cấp nước nói chung và cấp nước PCCC nói riêng. Chưa có quy định cụ thể đối với việc sử dụng nước PCCC từ hệ thống nước sạch do các công ty tư nhân quản lý, đặc biệt là tại các khu công nghiệp khi có cháy lớn xảy ra.

Thứ tư, quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ nguồn nước, nhất là của lực lượng Công an chưa đủ mạnh, thiếu các quy định và chế tài xử phạt nên đã hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe, ngăn chặn các các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, xâm hại, lấn chiếm nguồn nước tự nhiên, trụ nước, bến bãi lấy nước, đặc biệt là đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Thứ năm, công tác tuyên truyền, giáo dục về cấp nước PCCC trong xã hội còn hạn chế, mang tính hình thức, ít đổi mới, sáng tạo, chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia giải quyết cấp nước PCCC.

Để công tác giải quyết cấp nước PCCC đạt hiệu quả cao, góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

– Sớm ban hành các văn bản chỉ đạo về giải quyết cấp nước PCCC; tổ chức các hội nghị chuyên đề, các cuộc họp liên ngành như: Xây dựng, công an, kế hoạch – đầu tư, tài chính, cấp, thoát nước… để đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể tăng cường công tác giải quyết cấp nước PCCC.

– Xây dựng, hoàn thiện và triển khai quy hoạch hạ tầng về PCCC và CNCH giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050. Phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu quy hoạch hệ thống cấp nước đã đề ra: Toàn quốc xây dựng mới 23.144 trụ nước, 4.168 bể chứa nước chữa cháy, 408 bến lấy nước và 797 hố thu nước cho xe chữa cháy. Năm 2030 cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp nước chữa cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; 100% các trụ nước, bến lấy nước, hố thu nước phục vụ cho chữa cháy hiện có phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt chú ý bảo đảm nguồn kinh phí cho các dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp, duy tu hệ thống cấp nước PCCC.

– Xây dựng quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành chức năng trong công tác quyết cấp nước PCCC:

+ Sở Xây dựng cần chủ trì, đề xuất UBND tỉnh, thành phố xây dựng, lắp đặt bổ sung các trụ nước chữa cháy, bể nước dự trữ chữa cháy tại các khu dân cư, khu đô thị; xây dựng các bến lấy nước, hố ga thu nước tại các hồ chứa nước trữ lượng lớn.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cần phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, cân đối, bố trí nguồn vốn để báo cáo UBND cấp tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước PCCC.

+ Cơ quan cấp, thoát nước thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời duy tu, sửa chữa, khắc phục, thay thế các trụ nước, bến bãi, hố thu nước bị hư hỏng, bảo đảm cho xe chữa cháy lấy nước.

2. Công an các địa phương

– Chủ động tham mưu, đề xuất UBND các cấp và tích cực phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong việc xây dựng, cải tạo, duy tu hệ thống trụ, bể chứa và bến bãi lấy nước cho xe chữa cháy. Đặc biệt chú ý đối với các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, thiếu nước chữa cháy; các khu vực không có nguồn nước tự nhiên và hệ thống cấp nước đô thị.

– Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc thực trạng cấp nước PCCC. Định kỳ kiểm tra, đôn đốc nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về cấp nước PCCC. Xây dựng, hoàn thiện bản đồ giao thông, nguồn nước, trên đó thể hiện vị trí các đội chữa cháy, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, các trụ nước chữa cháy, bến lấy nước cho xe chữa cháy, trữ lượng và khả năng lấy nước của các nguồn nước chữa cháy.

– Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của tỉnh đánh giá một cách toàn diện vấn đề cấp nước PCCC từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp công tác giải quyết nguồn nước PCCC phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

– Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về cấp nước PCCC thông qua báo, đài phát thanh, đài truyền hình, mạng internet… nhằm nâng cao ý thức và kiến thức của các cấp lãnh đạo, quần chúng nhân dân qua đó tích cực tham gia công tác giải quyết cấp nước PCCC.


Có thể bạn quan tâm


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.
You need to agree with the terms to proceed

Chat với chúng tôi!
Get support!
Gọi cho chúng tôi!